Lốp xe giữ vai trò cầu nối để xe bạn tiếp xúc với mặt đường. Bởi vậy, lốp xe sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát tay lái, phanh xe, khả năng tăng tốc và thậm chí “tiếp nhận” cả những chướng ngại vật hay ổ gà khi bạn đi đường. Đã có rất nhiều tai nạn xảy ra do tài xế không chú ý đến lốp xe trước khi di chuyển.
Do vậy, có thể thấy rõ lốp xe chất lượng tốt sẽ giúp bạn lái xe an toàn. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại lốp xe và không phải loại nào cũng có hiệu suất giống nhau. Có một số loại lốp nhất định cho khả năng bám đường tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt hoặc băng tuyết, trong khi những loại khác giúp xe lăn bánh êm ái hơn khi chạy tốc độ cao nhằm làm giảm nhiên liệu tiêu hao và giảm ồn. Cùng Xehoinfo tìm hiểu thông tin về lốp xe và các kinh nghiệm sử dụng lốp xe nhé.
I. Thông số lốp xe ô tô
Hiểu rõ các thông số của lốp xe sẽ giúp bạn có những kiến thức căn bản về lốp xe cũng như cách lựa chọn lốp xe phù hợp.
1. Lốp dành cho xe loại nào:
Không phải lốp nào cũng có, và nếu có, dấu hiệu này thường nằm trước tên lốp, có thể là P, LT, ST, T hoặc C.
P: lốp cho xe con (Passenger vehicle)
LT: lốp xe tải nhẹ (Light Truck)
ST: lốp xe đầu kéo đặc biệt (Special Trailer)
T: lốp thay thế tạm thời (Temporary)
C: lốp xe chở hàng thương mại, xe tải hạng nặng
2. Chiều rộng và biên dạng lốp:
185: Chiều rộng mặt lốp (mm).
75: Tỉ lệ cho biết chiều cao của hông lốp, được đo như là tỷ lệ phần trăm của chiều rộng của nó. 75% chỉ đơn giản là 75% của 185 mm (=138,75mm)
3. Cấu trúc lốp xe:
R: Cấu trúc bố thép, loại lốp xe thông dụng nhất hiện nay
Phần lớn thông số này được hiển thị bằng chữ R và nằm ngay sau biên dạng lốp. R nghĩa là cấu trúc bố thép tỏa tròn Radial, một tiêu chuẩn công nghiệp của xe con, và là loại lốp thông dụng nhất. Những loại xe khác có thể là B, D hoặc E.
4. Đường kính mâm xe
14: Đường kính mâm xe (inches; 1 inches = 25.4 mm)
Thường nằm ngay sau cấu trúc lốp, cho biết kích thước vành phù hợp với lốp xe.
5. Chỉ số tải trọng tối đa cho phép:
82: Chỉ số tải trọng (LI), cho biết tải trọng tối đa cho phép.
Con số này đặc biệt quan trọng, cho biết khả năng tải của lốp xe và con số càng lớn, mức tải của lốp càng cao. Dấu hiệu này không phải lúc nào cũng chỉ là con số.
Không bao giờ thay lốp nguyên bản bằng loại lốp có chỉ số tải trọng tối đa cho phép thấp hơn, mà chỉ dùng lốp có cùng, hoặc chỉ số này cao hơn. Ví dụ bạn dùng loại như trong ảnh, là 82, thì khi thay phải cùng là loại 82 hoặc cao hơn.
6. Chỉ số tốc độ tối đa cho phép:
S: Chỉ số tốc độ (SS). Chỉ số tốc độ tối đa cho phép. Ký hiệu “H” là chỉ số tốc độ thông thường, ký hiệu “V”, “Z” là các chỉ số tốc độ cao
Chỉ số cho biết lốp xe có thể tải một lượng hàng nhất định và chạy với tốc độ nào đó. Những chữ cái cho biết giới hạn tốc độ của từng loại lốp cụ thể như sau:
- Q: 160 km/h
- S: 180 km/h
- T: 190 km/h
- U: 200 km/h
- H: 210 km/h
- V: 240 km/h
- Z: trên 240 km/h
7. Thời hạn sử dụng của lốp
Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số. Với 4 chữ số cuối cùng thì chỉ ngày tháng năm sản xuất ra chiếc lốp đó. Ví dụ nếu 4 chữ số cuối dãy là 4708, có nghĩa là lốp này xuất xưởng vào tuần thứ 47 của năm 2008.
Thời hạn sử dụng nhà sản xuất khuyên dùng là không quá 6 năm từ ngày sản xuất. Một chiếc lốp quá “đát” thường bị mờ dãy số này, cho dù nhìn bề ngoài thì có vẻ như chẳng có vấn đề gì cả. Khi đã quá hạn sử dụng có nghĩa là lốp đã mất hết những tính năng vốn có. Nhà sản xuất đã lường trước điều này và khuyên rằng kể cả những chiếc lốp mới không dùng mà chỉ cất trong kho nhưng đã hết hạn sử dụng thì xem như đã kết thúc vòng đời.
II. Thông số áp suất lốp ô tô
Lốp thuộc nhóm những bộ phận cần được ưu tiên chăm sóc, trong đó, điều cần quan tâm nhất là áp suất. Nếu áp suất không đúng, không chỉ làm giảm tuổi thọ lốp, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu, mà còn ảnh hưởng đến an toàn của chính bản thân người sử dụng xe.
Hiện có nhiều mẫu xe trang bị hệ thống cảnh báo giảm áp suất lốp dựa trên cảm biến tốc độ vòng quay của bánh xe hoặc sử dụng cảm biến áp suất lốp chủ động TPMS, công nghệ thông báo áp suất từng lốp ngay trên bảng đồng hồ. Tài xế có thể theo dõi và biết được khi nào cần mang xe đi bơm lốp. Thông thường, nếu chỉ số giảm 20% so với tiêu chuẩn, đèn thông báo sẽ sáng lên.
Hệ thống cảm biến áp suất lốp trên bảng đồng hồ.
Với những xe không có cảm biến áp suất lốp, tài xế có thể mua thêm đồng hồ đo áp suất cầm tay, hoặc dựa vào cảm giác. Nếu 2 lốp phía trước bị non hơi, vô-lăng sẽ rung và nặng hơn bình thường, xe có xu hướng mất kiểm soát khi vào cua. Lốp sau non hơi khó phát hiện hơn so với lốp trước, và xe chỉ biểu hiện bằng cảm giác mất bám, khi vào cua văng đuôi nhiều hơn.
Tình trạng lốp căng hơi ít gặp hơn, vì khi bơm, thợ sẽ kiểm tra áp suất lốp sao cho đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Trường hợp lốp căng hơi chỉ thường gặp khi di chuyển quá lâu dưới trời nắng nóng. Bánh xe quay nhanh và thời tiết nắng nóng đều khiến không khí bên trong nóng lên, nở ra. Đến khi vượt quá giới hạn, lốp xe sẽ bị hư hại, tệ hơn là gây nổ lốp.
III. Kinh nghiệm kiểm tra & bảo dưỡng lốp ô tô
Bơm không đúng áp suất hoặc áp suất giữa các lốp không đều nhau ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của chiếc xe, nó có thể làm lốp mòn nhanh hơn, giảm độ bền của hệ thống lái, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc gây ra các hỏng hóc khác. Dưới đây là một số kinh nghiệm cũng như những điều cần lưu ý về áp suất lốp, xe ô tô cũng như xe máy.
1. Kiểm tra áp suất lốp một cách thường xuyên
Có nhiều quan điểm về việc kiểm tra áp suất lốp như thế nào thì được gọi là “đều đặn”. Theo đề nghị của nhiều nhà sản xuất thì chu kỳ khoảng 1 lần/tuần là tốt nhất nhưng nhiều chuyên gia về an toàn lại đưa ra con số… 1 lần/ngày.
Theo quan điểm cá nhân của mình thì trước khi lên xe bạn nên đi vòng quanh xe nhìn kỹ 4 lốp xem có gì bất thường không. Nếu bạn chuẩn bị đi xa bạn cũng nên kiểm tra áp suất các lốp bằng đồng hồ đo.
2. Kiểm tra lốp ở nhiệt độ thích hợp
Nhà sản xuất thường đưa ra những thông số áp suất lốp tiêu chuẩn phụ thuộc vào tải trọng và điều kiện thời tiết ở nhiệt độ tiêu chuẩn. Do đó khi kiểm tra áp suất lốp thì các bạn cũng nên thực hiện ở nhiệt độ thích hợp. Thông thường thì sau khi vận hành xe khoảng 20 phút là thời điểm hợp lý để kiểm tra áp suất lốp. Lốp xe khi bị ma sát xuống đường thì khối không khí bên trong sẽ nóng lên và giãn nở, áp suất lốp khi đó sẽ cao hơn bình thường khoảng 10%.
3. Sử dụng đồng hồ đo áp suất lốp chất lượng cao
Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại đồng hồ kiểm tra áp suất lốp dùng cho xe hơi và xe máy. Việc sắm một chiếc đồng hồ đo áp suất lốp là rất dễ dàng với nhiều loại sẵn có. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất ít người trang bị dụng cụ này, mặc dù giá bán của nó không quá cao. Hầu như chúng ta thường kiểm tra độ căng của lốp bằng lực tay và… nhắm chừng, khi nào thấy lốp non quá thì mới đem xe đi bơm.
Nếu thấy áp suất không đủ hoặc quá căng, nên mang xe tới tiệm vá lốp có bơm đồng hồ, thợ sẽ biết chính xác xe bạn đang thừa hay thiếu hơi bao nhiêu. Hoặc bạn cũng nên trang bị một chiếc bơm điện có đồng hồ đo áp suất để trên xe để dùng khi cần thiết.
4. Bơm vừa đủ, không nên quá căng hay quá non
Lốp xe quá căng (áp suất cao) hay quá non (áp suất thấp) đều không tốt cho xe. Khi lốp xe quá căng, nó sẽ nhanh mòn và độ bám đường sẽ giảm đi đáng kể, khi di chuyển trên những đoạn đường không bằng phẳng xe sẽ xóc hơn. Ngược lại, nếu lốp quá non thì lực ma sát sẽ gia tăng làm động cơ phải hoạt động nhiều hơn, gây tốn nhiên liệu hơn. Việc sử dụng lốp theo đúng khuyến cáo giúp cải thiện 3,3% mức tiêu thụ nhiên liệu. Ngoài ra, lốp non còn khiến xe khó điều hướng, hoặc một bên lốp quá non sẽ làm lệch lái rất nguy hiểm.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông số áp suất lốp được nhà sản xuất khuyến nghị dán trên cửa xe, bậc ra vào hoặc sau nắp bình xăng của xe. Chú ý về điều kiện thời tiết và tải trọng hoặc bánh phía trước hay phía sau của xe sẽ có thông số áp suất khác nhau.
5. Đảo lốp vào thay lốp
Đảo lốp xe là một trong những hoạt động bảo dưỡng quan trọng bởi nó có thể tăng tuổi thọ lốp, bảo đảm an toàn khi lái. Thông thường, quá trình đảo lốp có thể thực hiện theo phương pháp đổi chéo, đổi thẳng hoặc đổi ngang, tùy thuộc từng kiểu dẫn động.
Nguyên nhân phải đảo lốp định kỳ là do lốp trước và lốp sau bị mài mòn với tốc độ khác nhau. Thời gian đảo lốp phụ thuộc nhiều vào chủng loại và hướng dẫn của nhà sản xuất, tuy nhiên, hầu hết các hãng khuyên cáo nên đảo lốp định kỳ trong khoảng 8.000-10.000 km.
Vì vậy bạn cần chú ý đến các cơ sở làm lốp hoặc các gara sửa chữa để đảo lốp định kỳ, nếu lốp đã quá mòn bạn cần phải thay sớm để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về lốp xe ô tô và những kinh nghiệm Xehoinfo chia sẻ để bạn có thể kiểm tra, bảo dưỡng lốp xe của bạn giúp bạn luôn an toàn trên mọi nẻo đường. Nếu bạn có những thắc mắc hay kinh nghiệm muốn chia sẻ hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Tổng hợp